Lịch sử Công_nghiệp_hóa_tại_Việt_Nam

Quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam bắt đầu từ thời Pháp thuộc. Quá trình này tiến triển chậm. Nền công nghiệp Việt Nam nhỏ bé và không hoàn chỉnh với các cơ sở sản xuất lớn là của tư bản Pháp còn công nghiệp bản địa chỉ gồm những doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lãnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và các hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Người Pháp xây dựng một số cơ sở công nghiệp khai khoáng, cơ khí, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp nhẹ nhưng vẫn chưa hình thành nền tảng công nghiệp hoàn chỉnh tại Việt Nam, trong khi Nhật Bản đã xây dựng khá nhiều cơ sở công nghiệp tại các thuộc địa của họ như Triều Tiên, Mãn Châu. Công nghiệp thời Pháp thuộc đã cung cấp một số sản phẩm và kỹ thuật mới như: điện, xi măng, diêm, bia, xà phòng, thuốc lá, thuỷ tinh, ô tô, xe đạp, tàu điện, tàu hoả, các sản phẩm cơ khí... Một số sản phẩm quen thuộc được sản xuất theo quy trình mới như nước máy, giấy, vải, thuốc lá... Nhờ sự giao thương mà lần đầu tiên, người Việt Nam được biết đến các sản phẩm của phương Tây, như: dầu hỏa và đèn dầu hỏa, thuốc lá điếu, diêm, xà phòng, sữa bò, kính đeo mắt, ô che mưa nắng, giầy dép, kính lắp cửa, các đồ dùng thủy tinh... làm thay đổi tiêu dùng nội địa. Sau khi thiết lập được chính quyền tại Việt Nam, Pháp cũng đã thiết lập chế độ bảo hộ mậu dịch, dựng hàng rào thuế quan và áp dụng một số độc quyền có lợi cho hàng hoá Pháp. Nền kinh tế xuất hiện một số kỹ thuật có thể coi là hiện đại vào thời kỳ đó tạo ra một năng suất mới trong sản xuất và đời sống như kỹ thuật khai thác hầm mỏ, kỹ thuật chế biến lâm sản, tốc độ và chất lượng của giao thông liên lạc, kỹ thuật và chất lượng xây dựng... Công nghiệp đã góp phần mở rộng thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, một bộ phận dân cư trong nước, nhất là dân thành thị làm quen với những sản phẩm hiện đại phương Tây như điện, xà phòng, nước máy, thuốc lá, xi măng… Một số ngành sản xuất cổ truyền như lúa gạo, cà phê, chè, gỗ... có khả năng mở rộng sản xuất, để bước đầu vươn ra thị trường quốc tế. Công nghiệp còn tạo ra một đội ngũ công nhân và kỹ thuật viên Việt Nam tiếp thu kỹ thuật phương Tây.[5]

Công nghiệp thời Pháp thuộc sử dụng nhân công giá rẻ nên có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng sản lượng rất thấp. Công nghiệp mang tính chất thâm dụng lao động do nó chú trọng khai thác lao động giá rẻ của dân bản xứ hơn thâm dụng tư bản để nâng cao năng suất và sản lượng. Cho đến 1931, trong tổng giá trị sản phẩm quốc nội của Đông Dương là 750 triệu đồng Đông Dương, công nghiệp chỉ chiếm có 105 triệu, tức chỉ đạt 14%. Trong thập kỷ 1930, công nghiệp đã có một bước tiến xa hơn: tăng gấp đôi so với những gì Pháp đã làm ở đây trong vòng 70 năm (1860-1930). Đến năm 1938, trong tổng sản phẩm quốc nội của Đông Dương là 1014 triệu đồng Đông Dương, công nghiệp chiếm 233,08 triệu, tức 22%. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân cư Việt Nam được hưởng những thành tựu của sự phát triển công nghiệp. Điện, nước máy, xà phòng, đường sắt, đường nhựa và điện tín vẫn còn xa lạ với nông thôn, người nghèo. Tính tới năm 1940, lượng điện tiêu thụ trên đầu người tại Việt Nam chỉ bằng 1/107, lượng sắt thép sử dụng bằng 1/10 so với nước Pháp.[5] Nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp với phương thức sản xuất không thay đổi trong hàng ngàn năm. Quan hệ sản xuất tại nông thôn vẫn là quan hệ địa chủ – tá điền như thời Trung cổ, còn tại thành thị, chủ nghĩa tư bản chỉ mới manh nha xuất hiện. Người Việt có mức sống rất thấp, nghèo đói phổ biến trên toàn đất nước, đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung. Ở nông thôn tồn tại mâu thuẫn giữa địa chủ và tá điền còn ở thành thị có sự tương phản giữa tầng lớp tư sản, quan chức cao cấp và thị dân lớp dưới. Người Pháp xây dựng một số cơ sở hạ tầng cơ bản tại An Nam. Hệ thống kinh tế mà Pháp đầu tư tại An Nam như các đồn điền cao su, mỏ than, các thành phố lớn, đường sắt, cảng biển là để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của họ chứ không phải để phục vụ lợi ích của dân bản xứ.[6] Dù người Pháp đã mang những yếu tố hiện đại vào nền kinh tế Việt Nam nhưng nhìn tổng thể nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong tình trạng tiền tư bản, bán Trung cổ.

Năm 1945, Việt Nam giành được độc lập rồi rơi vào tình trạng hỗn loạn. Toàn bộ nền kinh tế trong đó có công nghiệp ngưng trệ. Năm 1947, chiến tranh Đông Dương bùng nổ. Công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ đều ngừng phát triển, thậm chí suy thoái. Một số nhà tư sản dân tộc tản cư ra vùng kháng chiến. Công nghiệp thời kỳ này hoạt động cầm chừng. Hàng công nghiệp chủ yếu được nhập khẩu.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954hiệp định Geneve tháng 7 năm 1954 thì Việt Nam bị chia làm hai vùng tập trung quân sự, sau đó do không có tổng tuyển cử theo hiệp định nên quốc gia bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc Việt Nam một mặt đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và mặt khác trợ giúp Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến tại miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, Miền Nam Việt Nam thành lập chính phủ riêng với trợ giúp tài chính và quân sự từ Mỹ và quốc tế, tiến hành xây dựng nền kinh tế theo hướng thị trường ở miền Nam Việt Nam.

Tại miền Bắc, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Gần 100 năm đô hộ của Pháp đã làm cho nền kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc có xuất phát điểm rất thấp. Sự phát triển kinh tế thời chiến gặp nhiều khó khăn do các chiến dịch ném bom của Mỹ. Hơn nửa triệu người chết, các thành phố, các cơ sở công nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng, làng mạc ruộng đồng bị tàn phá nặng nề. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ nhằm thống nhất Việt Nam đồng thời công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc[7]. Miền Bắc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ I nhằm xây dựng nền tảng công nghiệp cho nền kinh tế, phát triển nông nghiệp đủ sức đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong thời kỳ này miền Bắc chú trọng phát triển công nghiệp nặng bằng cách đầu tư vào các ngành điện, cơ khí, luyện kim, hoá chất, vật liệu xây dựng...[8] Các chiến dịch ném bom của Mỹ làm gián đoạn quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 2/8/1964 Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam. Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng 3/1965 nhận định "trong cuộc chiến tranh cách mạng yêu nước của nhân dân cả nước chống đế quốc Mỹ, miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn, những nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam... Hướng tích cực nhất để làm thất bại âm mưu của địch là tập trung lực lượng của cả nước để đánh bại hoàn toàn địch ở miền Nam".[8] Ngày 2/3/1965 Mỹ bắt đầu Chiến dịch Sấm Rền ném bom phá hủy cơ sở hạ tầng, các cơ sở công nghiệp, các lực lượng phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kéo dài cho đến ngày 1/11/1968. Trong suốt thời gian này nền kinh tế miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề, không thể tiếp tục phát triển. Sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận đàm phán với Mỹ để kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Mỹ chấm dứt ném bom. Nền kinh tế miền Bắc bước vào giai đoạn phục hồi. Cơ sở hạ tầng được xây dựng lại, các nhà máy được sửa chữa và tiếp tục hoạt động, sản xuất nông nghiệp cũng được khôi phục.[9]

Tại miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm thực hiện các kế hoạch kinh tế 5 năm nhằm phát triển công nghiệp để giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu, tiết kiệm ngoại tệ. Trọng tâm của chính sách công nghiệp Việt Nam Cộng hòa là chế tạo những sản phẩm tiêu thụ thông dụng bằng cách phát triển công nghiệp nhẹ để cung cấp cho thị trường trong nước và công nghiệp chế biến nông sản.[10] Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, từ năm 1965, đường lối sản xuất thay thế nhập khẩu bị gác lại. Việt Nam Cộng hòa từ bỏ việc phát triển kinh tế theo kế hoạch để thay thế bằng chính sách kinh tế tự do, nhà nước can thiệp một cách hạn chế vào nền kinh tế. Một số ngành công nghiệp non trẻ như dệt, sản xuất đường bỗng dưng không được bảo hộ nữa nên gặp khó khăn. Nhưng một số ngành khác lại có cơ hội phát triển đa phần là các ngành nhanh có lợi nhuận và dễ thực hiện. Số lượng các cơ sở sản xuất nhỏ, ít vốn nhưng có tỷ suất lợi nhuận cao hoạt động bằng cách nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến phát triển mạnh làm nguồn ngoại tệ của Việt Nam Cộng hòa bị hao hụt và nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Muốn nhập khẩu cần có ngoại tệ mà nguồn ngoại tệ chủ yếu là viện trợ Mỹ vì xuất khẩu của Việt Nam Cộng hòa không đủ bù đắp cho nhập khẩu do đó nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa ngày càng phụ thuộc vào viện trợ. Chính sách tự do hóa nền kinh tế đã thất bại trong việc xây dựng nền tảng công nghiệp quốc gia khiến nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài vì không có một chương trình phát triển công nghiệp, không tận dụng được nội lực, thương mại phát triển mạnh hơn công nghiệp. Nhìn chung, công nghiệp vẫn tăng trưởng, trừ năm 1968 và sau đó là năm 1972 bị giảm sút do tác động của chiến tranh.[11]

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Việt Nam tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa để trở thành một nước công nghiệp hóa. Sau 10 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ II và Kế hoạch 5 năm lần thứ III Việt Nam vẫn chưa xây dựng được nền tảng công nghiệp quốc gia trong khi nhiều quốc gia khác đã công nghiệp hóa thành công bằng mô hình kinh tế kế hoạch. Do chưa thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, nhà nước Việt Nam xem kế hoạch hóa là đặc trưng quan trọng nhất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, phân bổ mọi nguồn lực theo kế hoạch là chủ yếu. Nhà nước xem thị trường là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản dẫn đến không thừa nhận trên thực tế sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ, lấy kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ yếu, muốn nhanh chóng xóa sở hữu tư nhân và kinh tế cá thể, tư nhân. Nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng vì Việt Nam sao chép mô hình kinh tế kế hoạch của Liên Xô mà không thật sự hiểu rõ ưu điểm và nhược điểm của mô hình này, không đủ năng lực quản lý kinh tế để phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ hiểu đơn giản xây dựng chủ nghĩa xã hội là quốc hữu hóa tư liệu sản xuất, sau đó phát triển kinh tế theo kế hoạch. Chính tư duy đơn giản đó dẫn họ đến thất bại. Hơn nữa nội lực của Việt Nam quá yếu nên mô hình kinh tế kế hoạch hóa cũng không thể nào phát huy được tác dụng tập trung nội lực để đầu tư phát triển.

Giữa thập niên 1980, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục khó khăn gay gắt. Cuộc khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ cuối thập niên 1970, do cải tạo tư sản ở miền Nam quá mức, do chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc kéo dài gần 10 năm, và càng gay gắt hơn khi Việt Nam bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường bằng chính sách cải cách Giá - lương - tiền bao gồm đổi tiền, tăng lương bằng cách in tiền vào năm 1985.[12] Nhiều người gửi tiền tiết kiệm lâm vào cảnh bi đát do lạm phát phi mã xảy ra sau khi đổi tiền. Có người bán một con bò lấy tiền gửi tiết kiệm, sau khi đổi tiền chỉ mua được vài con gà. Việc ngăn cấm thị trường tự do khiến tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trở nên nặng nề. Thị trường thực phẩm, hàng tiêu dùng bị ngăn cấm trong khi nhà nước chỉ phân phối tem phiếu thịt giá thấp riêng cho cán bộ, công nhân viên (số lượng thật ra rất ít, khoảng 0,3-0,5 kg/người/tháng) và người dân ở thành phố (mỗi người 0,1 kg/tháng). Điều này khiến tình trạng khan hiếm hàng tiêu dùng kéo dài triền miên, và vật giá trên thị trường chợ đen tăng mạnh. Chất lượng sống của nhân dân đi xuống khiến sự bất mãn trong xã hội tăng lên, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam sa sút. Gần một triệu người vượt biên ra nước ngoài để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn thu hút sự chú ý của dư luận thế giới lúc đó.

Tại các nước áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch thành công nhất như Liên Xô, trong thời kỳ kinh tế còn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng dựa vào lao động và vốn thì cơ chế này có tác dụng nhất định, nó cho phép tập trung tối đa các nguồn lực kinh tế vào các mục tiêu chủ yếu trong từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Nhưng nó lại thủ tiêu cạnh tranh, kìm hãm tiến bộ khoa học - công nghệ, triệt tiêu động lực kinh tế đối với người lao động, không kích thích tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Vì vậy Liên Xô trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất dưới sự lãnh đạo của Stalin đã phải áp dụng kỷ luật lao động cứng rắn (bao gồm cả hình phạt tù hoặc đày đến các trại lao động cải tạo) đi kèm với các biện pháp động viên khen thưởng để chống lại tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý đồng thời thúc đẩy tăng năng suất lao động. Khi nền kinh tế thế giới chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học — công nghệ hiện đại thì cơ chế quản lý này càng bộc lộ những khiếm khuyết của nó, làm cho kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa trước đây; trong đó có Việt Nam, lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.

Sự sụp đổ của Liên Xô khiến Việt Nam phải thực hiện Đổi Mới vào năm 1986 để chuyển hướng sang kinh tế thị trường. Đảng Cộng sản Việt Nam chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp[13]. Tính đến năm 2016, sau 30 năm, kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả khả quan. Trong suốt 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Giai đoạn đầu Đổi Mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 4,4%/năm, giai đoạn 1991-1995 GDP bình quân tăng 8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000 GDP bình quân tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005 GDP tăng bình quân 7,34%/năm; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Giai đoạn 2011-2015, GDP của Việt Nam tăng chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh: GDP bình quân đầu người năm 1991 chỉ là 188 USD/năm. Đến năm 2003, GDP bình quân đầu người đạt 471 USD/năm và đến năm 2015, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 204 tỷ USD, GDP đầu người đạt gần 2.200 USD/năm. Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng.[14][15] Tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1992 xuống còn 7,6% cuối năm 2013[16]. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại, giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Tuy nhiên mục tiêu công nghiệp hóa không thành công[17]. Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp hoàn chỉnh[18]. Tham vọng trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 hoàn toàn không thực tế trong khi Việt Nam lại thiếu một chính sách công nghiệp hóa hữu hiệu[19]. Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030[20].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công_nghiệp_hóa_tại_Việt_Nam http://www.vjol.info/index.php/khxhvn/article/view... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cong-cuoc-sap... http://baochinhphu.vn/Doi-song/Viet-Nam-dat-nhieu-... http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nhin-lai-30-nam-... http://cafef.vn/quyen-bo-truong-bo-tttt-nguyen-man... http://cafef.vn/ts-vo-tri-thanh-tiet-lo-bi-mat-cua... http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-chi-thi-tan... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://nhandan.com.vn/daihoidangtoangquocxii/daiho...